Muốn thanh cao đi lên trời mà ở!   

12/09/19

TRÀ

         Tôi có ý viết về trà đã lâu, chủ tâm viết về cái cách uống trà thôi, cái cách mà tôi cảm thấy tâm đắc nhất. Cuộc sống ngày nay nhiều áp lực, mỗi người đều phải bước thật nhanh để kịp được nhịp sống, đó là khi nhìn vào xã hội, nhìn vào tuổi trẻ. Còn tôi chẳng còn trẻ nữa, cũng chẳng còn gì để mà theo đuổi, để mà ham hố. Đủ cả rồi, hành lý để mà về nước Thiên đàng cũng đã sẵn sàng. Ông Khổng tử nói “Lục thập nhi nhĩ thuận”. Thôi thì kệ đời nói ngược nói xuôi gì nghe được hết. Bây giờ cũng là lúc cần có những ngày, những giờ thậm chí phút giây được thư giãn, sống chậm để lắng nghe những âm thanh đẹp đẽ vốn có mà cuộc sống mang lại.
          Uống trà thì tôi đã uống khoảng 40 năm nay rồi, nhưng cầu kỳ và coi uống trà là cái thú thì cũng vài chục năm. Nói về dùng trà là nói đến không khí yên tĩnh, lắng đọng, tinh thần thư thái thoải mái, kỹ thuật pha chế đẹp mắt, tỉ mỉ.
          Trà không chỉ là thức uống mà nó còn là một liệu pháp nuôi dưỡng tinh thần. Khi thưởng thức những tách trà thơm nồng, chứa đựng trong đó tâm huyết, tình cảm và cả bóng dáng của người chơi trà. Tôi cũng đã chứng kiến người Nhật và người Tầu dùng trà, người ta tán dương trà quá mức và gọi nó thành trà đạo. Theo tôi gọi là trà đạo là hơi quá, tôi dùng trà hàng ngày và cũng đủ tinh tế để thưởng trà và tự ví mình là Trà Nô.
          Người Nhật khá kỳ công trong việc thưởng trà. Khi uống trà, người ta không chỉ quan trọng vị thơm của trà mà còn đặc biệt chú trọng đến pha chế. Nhiều quy định nghiêm ngặt, thưởng trà Nhật Bản được nâng lên, trở thành một trong những môn nghệ thuật, vừa rèn luyện được sự nhẫn nại, kiên trì, tỉ mỉ, lại vừa thể hiện được sự tinh tế, tao nhã. Người Nhật dùng trà thường rất kén chọn không gian. Sự tĩnh lặng phải là yếu tố ưu tiên hàng đầu. Người dùng trà cho thấy ở trong tách trà nó chứa đựng và truyền tải sự thư giãn, thể hiện sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người. Nhìn người Nhật pha trà, thường là nữ, những cử chỉ tỉ mỉ, cẩn thận, nhanh nhẹn và khéo léo, nhìn họ pha trà rất điêu luyện, ta có cảm giác đang chứng kiến một triết lý tinh tế.
          Người Tầu không có những quy tắc chuẩn mực và khắt khe như Nhật. Tuy nhiên, nghệ thuật và sự tinh tế, đẹp mắt vẫn là điều không thể thiếu. Được chứng kiến đôi bàn tay hoa ngọc của những cô gái tỉ mỉ xúc ấm, chọn chè, tráng chén, cũng cho ta thấy được vẻ đẹp của văn hóa trà.
          Không cầu kỳ như Nhật, Tầu, trà Việt đơn giản hơn trong cách pha chế. Tôi và những bạn trà của tôi phải thừa nhận là người có xu hướng hoài cổ, thích các thú vui tao nhã, và đặc biệt là rất ngưỡng mộ bát nhã của cổ nhân: cầm, kỳ, thư, hoạ, thi, tửu, hoa, trà. Có lẽ bóng dáng của ông đồ xưa, ưa yên tĩnh, thích cổ cầm, thư pháp, cây cảnh và tất nhiên là yêu thích trà.
          Đã có một thưở tôi dùng cà phê, tôi cho rằng cà phê hương quá đậm, vị quá đắng, quá béo ngậy, chỉ thích hợp cho Tây, theo lối sống nhanh, được mỗi tác dụng tỉnh táo. Thật tình tôi không thích hợp với cà phê. Tôi thích trà hơn, trà thơm dịu dàng, thanh khiết, vị trà có chút chan chát, đăng đắng để rồi có dư vị ngọt đọng mãi trong miệng. Trà nào cũng có phong vị đẹp như vậy dù đó là loại nào Phổ nhĩ hay Long tỉnh, Thiết quan âm hay Ô long... cho đến Tủa sùa hay Thái nguyên ... cũng thế!
Một ấm tử sa mang tên: Tùng thử bồ đào (nho-sóc)
          Người dùng trà (Trà nô) Phải thửa đủ trà cụ, trong trà cụ đặc biệt quan trọng là ấm pha trà. Có câu: “Trà Tầu ấm đất” Trà Tầu thì các bạn biết rồi còn ấm đất ở đây muốn nói ấm Tử sa, một loại ấm pha trà chuẩn mực, công năng tốt, tinh tế lắm. Nói không ngoa nhìn bộ trà cụ trong tay một Trà nô, nhìn cái cách thức đun nước, lấy trà, tráng ấm chén, thức trà, pha trà, đôi tay nhẹ nhàng, lướt uyển chuyển như múa, trong phòng mọi âm thanh như lắng đọng, yên tĩnh lạ thường. Trà nô có câu “Thức trà”, nhiều người gọi đó là tráng trà, ôi không gọi thế được phải gọi là “thức trà”. Gọi tráng trà mất cảm tình lắm...(!)
          Nói sơ chút về cách pha trà! Pha thế nào cho đúng? Thật ra nghệ thuật chơi trà gói trọn trong câu thống kê này: “Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”.
          * Nhất thủy: Nước là yếu tố đầu tiên và quan trọng làm nên sự tinh tế của tách trà. Trà gì đi chăng nữa nếu nước không chuẩn chỉ phí trà. Loại nước dùng để pha trà phải là nước tinh khiết, ngày xưa các cụ cầu kỳ dùng loại sương đọng trên lá sen. Gom loại nước ấy lại, đun sôi bằng ấm đất trên bếp củi. Nếu dùng thường xuyên thì nên dùng nước mưa lọc kỹ, hoặc nước lọc đóng chai... Với mỗi loại trà, độ sôi của nước sẽ khác nhau. VD như trà Thái ướp các hương trà sen, trà cúc, trà nhài,... nước đun sôi già hơn. Nhưng nếu dùng trà Long tỉnh thì nước sôi phải để cho nguội bớt đi chỉ cần 70 độ c là được, nếu sôi quá lại khiến trà trở nên nồng mà các cụ xưa còn hay gọi bằng cái tên dân giã là “cháy trà”.
          * Nhì trà: Tôi chỉ nói về trà khô các loại, chứ không nói chè tươi nha. Có nhiều loại trà lắm mỗi loại có đặc chưng riêng, phong vị cũng khác nhau... Trà Tầu thì có Hồng Trà , Đại hồng bào, Bạch trà, Thiết quan âm, Long tỉnh, Phổ nhĩ chín , Phổ nhĩ sống, Phổ nhĩ nếp... Mỗi loại trà lại có nhiều các chế biến để tạo ra các hương sắc đặc trưng, như trà Ô long chẳng hạn có Ô long của Đài Loan, Ô long tứ quý , Kim Tuyên ...Vân vân và mây mây ...Ngoài ra còn có  trà ướp các loại hương hoa, mỗi loại có phong vị riêng của nó. Trà thái nguyên cũng có trà ngon 800.000/ 100gam hay trà sen hồ Tây cũng rất ngon... Tuy nhiên tôi vẫn thích trà Tầu hơn, có nhiều loại ngon và chế biến rất cầu kì.
          *Tam bôi: Chén uống trà thường được chọn loại chén đẹp, thường chỉ nhỏ nhắn thôi, bởi thưởng trà không quan trọng về lượng mà lại quan trọng về chất và tinh thần. Thường một bộ chén sẽ có bốn chén quân, một chén tống (chén to nhất) dùng để chuyên trà. Khi rót trà thì đem rót ra tống trước, rồi san từ đó ra các chén quân, như thế thì các chén trà mới cùng đậm đà như nhau.
          *Tứ bình: Dù sao tốt nhất vẫn là ấm đất Tử sa. Trước khi pha trà, bình (ấm) phải được tráng ngâm bằng nước sôi. Trà bỏ vào ấm(gọi là châm trà) phải vừa đủ lượng để không nhạt quá cũng không đặc quá. Sau đó rót đủ nước ngập mặt trà tràn những bọt khí ra khỏi ấm, sau đó rót nước đầu tiên đó vào tống , nước này là nước thức trà, xong rồi thì rót nước sôi để pha trà, cũng rót đầy ấm. Sau khi đậy nắp ấm thì dùng nước thức trà đổ tràn lên nắp ấm chi kín hơi và trà dậy hương thơm. Sau khi pha chừng 30 giây đồng hồ thì dùng được. Tắm ấm trà bằng nước thức trà sẽ lưu giữ thứ mùi hương tinh khiết, thơm dịu của trà. Sau 1-2 phút, trà vừa tay sẽ đem mời khách.
          * Ngũ quần anh: Đây là các Trà nô (bạn trà với nhau) Mọi thứ đã đẹp đã ngon rồi, nhưng bạn uống trà cũng phải “ngon” Nhà văn Nguyễn Tuân có câu: “Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà. Những lúc ấy, chủ nhân phải tự tay mình chế nước, nhất nhất cái gì cũng làm lấy cả, không dám nhờ đến người khác, sợ làm thế thì mất hết cả thành kính”.
          Người thưởng trà, bạn trà vì thế mới quan trọng, khó kiếm, hiếm gặp. Chỉ có tri kỷ mới có thể im lặng ngồi bên chén trà mà vẫn thấu hiểu được tâm ý của nhau. Tất cả các công đoạn cầu kỳ ấy, từ chọn nước, chọn trà, pha trà, rót trà đều thấm đẫm màu sắc thanh lịch, rất mực tinh tế.
          Uống trà phải uống còn nóng mới ngon. Thường thì tay nâng ly trà, đưa ngang qua mũi để thưởng hương trà sau nhấp từng chút một để cảm thụ cả hương và vị của trà khi chạm vào đầu lưỡi, thẩm thấu vào ruột gan để thấy tâm hồn mình lắng đọng. Hương trà còn vấn vương sau khi uống. Mời trà nhau còn gọi là dâng trà biểu hiện sự lễ độ, lòng mến khách. Khi dâng trà nên mời từ người lớn tuổi nhất. Thưởng trà ngon phải được đặt trong không gian thanh tịnh, có như thế thì tác dụng di dưỡng tinh thần của trà mới được đẩy cao đến đỉnh điểm.
          Uống trà cũng rất cần sự tiết độ. Người biết về trà thường không uống nhiều, uống đặc và cũng không uống liên tục suốt ngày. Bởi trà đại diện cho sự tế nhị, nhạy cảm, thanh tao, tạo không gian để suy ngẫm và khiến đầu óc tỉnh táo. Uống trà để giữ tâm thanh tịnh, mưu điều thiện, tránh điều ác, để lưu thanh lịch và tỏa hương. Trà và nghệ thuật thưởng trà là một thú vui tao nhã.
         

14 nhận xét:

  1. Những người thích ngồi uống trà và làm thơ thì ngồi với nhau mới ra trò được. Nói theo kiểu trắng trợn thì kiểu người "phàm phu tục tữ" ngồi vào bàn trà thấy sai sai.
    Trà là cả một nghệ thuật, nó dạy người sự kiên nhẫn, tĩnh lặng.
    Uống trà giúp người ta thân tâm thanh tịnh, bản năng khi uống trà thì chỉ muốn nói đến những chuyện mỹ mộng, nhẹ nhàng. Không bàn đến ồn ào thị phi thế sự...
    Uống trà ngon mà gặp được bạn trà hợp ý thì ngồi thưởng thức 3 ngày 3 đêm như trong lịch sử thì chuyện thường tình.
    Người có tâm thanh tịnh, sống cuộc đời thanh tao chỉ cần nghe đến trà là đã cảm nhận được sự phảng phất của hương trà, đã bắt đầu chuẩn bị bước vào một không gian tĩnh lặng để suy ngẫm thế sự...
    Nói chung thì ai thích uống trà thường tâm hồn sớm già hơn tuổi tác vì có thời gian để nhìn nhận bản thân và trưởng thành.
    Hihi
    Đó là chút cảm nhận của em. Chứ em vẫn còn ồn ào lắm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em có cách cảm nhận thật tinh tế, hay lắm em ạ!
      Anh cảm ơn em thật nhiều!

      Xóa
  2. DVD chỉ thích uống lá trà tươi mới hái từ cây trà thôi, nếu có được nhiều lá tươi quá thì hong khô để dành uống dần, nên nói về trà và thưởng trà thì DVD dốt đặc!
    Hi hi hi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mỗi người có một cách thưởng thức cuộc sống khác nhau, thưởng trà cũng là một phần của cuộc sống. Trong trà có nhiều thú vị lắm ĐVĐ ạ!

      Xóa
  3. Hihi...
    Ai cũng như HN thì mấy nhà sản xuất trà dẹp tiệm vì cả đời HN chẳng uống một giọt nào tại nó "Đắng ơi là đắng"
    HN cũng như anh DVD dốt đặc về TRÀ...Hihi...
    Chúc anh ngày CN tươi hồng thật vui nhé anh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái đắng của trà là cái đắng của vị ngọt, theo anh đó không phải đắng. Cảm ơn em nhiều!

      Xóa
  4. Cách thưởng trà của em là: Bác chủ quán, cho xin cốc trà đá!
    Hi.....hi.....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không phải nói rõ quá thế đâu!
      Mà " bác chủ cho em cốc nước! thế là trà đá rồi mà!

      Xóa
  5. BÓNG khóa còm nha!
    Bóng nào cũng hấp dẫn, ô zề!
    :)) :)) :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bóng hồng thì hấp dẫn hơn...Hihi! :))

      Xóa
  6. Sư phụ, hihi
    Em hổng rành về trà đâu nhưng thích ngắm chén chè thơm xứ Bắc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh giờ chỉ có mỗi việc là "ăn và chơi" để chờ lúc ... lên "đài hóa thân" chẳng biết có gọi là sa đọa không nữa chứ!
      Anh thường gọi hàng ngày về việc dùng trà là "chơi trà", nó cũng hay lắm đấy em ạ!
      Nếu có thể em cứ nghiên cứu và "cùng chơi"!

      Xóa
  7. Anh viết về thưởng trà mà ít hình ảnh quá, làm em phải mường tượng ra, ôi trà ngon.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em ạ! Anh không thích đăng ảnh trong Blog ... Xưa nay vẫn thế, em nhường nhịn anh nhé... Cứ mường tượng thoải mái đi... Hihi!

      Xóa