Muốn thanh cao đi lên trời mà ở!   

21/11/12

LẢM NHẢM


               Lảm nhảm thế này, nghĩa là một mình nhàn rỗi, ngồi mà nói những gì thích nói. Nói cứ nói ai hiểu sao cứ hiểu.
.......


               Vậy là vào thu này, con người ta trốn đời rất nhiệt tình. Họ tìm nhiều cách ra đi. Chị thì dùng thuốc ngủ. Anh không sợ độ cao thì nhảy. Ông nào coi đau đớn là thường thôi thì treo mình. Có người không sợ nóng thì mua mấy lít xăng về đốt.
               Trời nắng nhẹ! thu hanh hao, trời cao man mác thế này mà người ta cũng chết được. Ung thư, đã đành rằng vậy. Không ung thư cũng cứ chết! Đi đình đi đám là rất khổ. Chẳng phải ghen chứ người sống cơ chừng khổ hơn người chết!
             Năm cái đám ma một tháng các bác ạ! Chết thế mà vẫn khổ ông giao thông. Vẫn tắc.
             Khu nghỉ ngơi có tên Minh Châu. Ông chủ saú giờ sáng còn đi bộ với vợ. Tám giờ vợ la lên, anh đã treo mình. Mọi tài sản của anh, nhà chức trách niêm phong, còn vài ba căn hộ cao cấp ở Hà Nội, ngôi biệt thự cổ ở sài gòn. Và có vài khu nghỉ mát để cho thuê tắm biển. Thảy đều đứng tên người khác trong nhà. Anh chẳng sở hữu gì. Công an tìm mỏi mắt, chỉ thấy có ít giấy tờ vay nợ của Ngân hàng, cả của tín dụng đen.
             Quen nhau ngày học phổ thông. Cha này giầu có một thời, xây cái nhà 7 tầng cao ngất. Ở tầng 6, vừa cho mát lại nhiều lộc.. Vợ đang ngồi ban công, lấy ánh sáng sửa cái móng chân. Anh đến đứng cạnh, nói nhờ tý. Bỗng nghe tiếng bộp! Ngoảnh lại không thấy chồng, rướn người nhìn xuống anh đang nằm dưới đất. Nghe vợ thuật lại chuyện chồng chết mà mặt tỉnh bơ . Thằng này 50 tuổi, nghe đâu tuần trước đi khám bệnh. Vừa có kết quả xét nghiệm máu.
             Còn đang bàn tán chưa nguôi ngoai, có tin ông em họ, định cư ở thủ đô, ông này làm quan. Trước khi “thăng” thì vợ chồng bàn bạc với nhau nhiều đêm. Đã thống nhất thế này, thế kia, thế nọ…Chú em chết bằng uống thuốc thật êm, nhẹ như cơn gió thoảng. Trước còn có tiền gửi chỗ nọ chỗ kia giờ thấy không còn tài khoản nào, chỉ có vài cái nhà mặt phố cho thuê đứng tên vợ con cả.
             Mỗi đại gia một hoàn cảnh, Một cách kiếm tiền, mà họ cũng chọn một cách ra đi, có khi người ta nghĩ đây cũng chỉ như một cuộc chơi. Tìm cách chết cũng là chơi lại với đời.
             Nhà ở thì hết bao nhiêu. Con có ít thậm chí không có, chả hiểu tiền để làm gì. Các anh về thiên đàng, ở hạ giới làm đám đình tổ chức chia tay các anh. Các bà vợ quá đảm và chu đáo, thấy họ cứ tưng tửng, bình thản như thường, Có chị còn cười thành tiếng Hốc…Hốc…vang lắm ! Nét vui của khuôn mặt từ trong sâu thẳm, như mới được một quả lời lãi từ buôn đất vậy. Sự hy sinh dũng cảm của các anh thật không uổng!
            Nói gần rồi thì lại nói xa, mấy nay đài baó ti vi tha hồ mà tán tụng mà giật tít về Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Đức Kiên và Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải của Ngân hàng ACB cùng nhiều người liên can bị bắt; GSTS Trần Xuân Giá, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư bị khởi tố. Nói thật mình thích báo mạng hơn, nhất là bọn buôn chuyện mà các anh gọi là lề trái. Còn cái anh lề phải giờ không muốn nhìn, Căm luôn cả ti vi. Còn mỗi cái HBO là nhìn đến, Mẹ cái loại phim có phụ đề mà dễ chịu.
             Trở lại với cái sự sống! Làm người ai chẳng mong thái bình. Cầu an cư lạc nghiệp, sống thanh nhàn, thong thả,  ước mong về hạnh phúc, thiết thực, yên phận thủ thường. Mong gì cao xa, khác thường, hơn người. Có vị giáo sư đã quá có Ông nói thế này:
              "Người Việt mình chẳng hay ho gì, thường bon chen, ghen ăn tức ở. Không chuộng trí mà cũng không ưa dũng. Dân tộc chống ngoại xâm liên tục nhưng không thượng võ. Ðâu đâu cũng có đền thờ những người có công đức - chủ yếu là có công chống ngoại xâm - nhưng không một anh hùng xuất chúng, một võ sĩ cao cường nào được lưu danh. Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là "Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”.
             Ngẫm thấy xưa nay tự hào nòi giống lạc hồng ,  nào là người Việt thông minh. Một đất nước ra ngõ gặp “anh hùng”, thế mà phán là không phải dân tộc thượng võ lẽ ra bọn trí giả của đất này phải nghĩ lại cho thỏa đáng . trí giả gì mà chuyên ăn theo, nói leo và nhất là thói hợm hĩnh.    
              Đất đã ban cho con người sự sống, đó là thứ quý giá nhất. Ấy thế nhưng những con thiêu thân vẫn xông vào lửa bởi chúng thích ánh hào quang của những đồng tiền , chúng thích nghệ thuật làm quan, nghệ thuật cướp giật.  Ôi chao mà vậy thì tiền để làm gì, có thể giúp ích gì cho những con thiêu thân?
             Những khi buồn lảm nhảm thế này mình hay nghĩ đến mấy câu thơ của Ông Bùi Hoàng Tám
“ Ôi đất nước nghèo như thơ lục bát
Câu sáu đói ăn câu tám mất mùa    
Chị mò ốc cũng mơ thành hoàng hậu  
Anh đốn củi trên rừng cũng khao khát ngôi vua”
          Mình hèn hạ có đi được đến đâu để mở mang trí hóa. Sinh ra lớn lên, già đi, rồi chết, cũng vẫn trên đất lề quê thói thế mà một chiều cuối thu thấy đất có vẻ như quen mà lạ. Chỉ là cảm giác thôi. Chứ mà bảo giải thích minh tường thì đến Bố mình cụ cũng không giải thích được, nói gì mình.
          Lạ là lạ lắm cơ. Một nơi có dòng sông mùa lạnh nước trong veo, lại cũng dòng sông ấy ba mùa còn lại dòng chảy đục ngầu. Nơi cũng chia ngày chia đêm. Thế mà ngày sao ảm đạm, còn đêm thì tối. “Tất-Lẽ-Dĩ-Ngẫu” là vậy rồi. Con người cũng lạ, cũng đàn ông, đàn bà và ai cũng có một cái mồm để ăn. Không hẳn là để nói. Bởi có người được nói. Họ nói cái gì cũng đúng , cái gì cũng phải! Nói ngược nói xuôi, nói bông phèng. Nói không bao giờ chịu trách nhiệm về lời nói. Dĩ nhiên nói lời không cần phải giữ lời. Nhưng số đông là để câm , không bao giờ được nói, chỉ có phải nghe, cứ nghe và mãi nghe. Thế là quên đi cách mở miệng. Mà cũng lạ thay con người nơi đây gặp nhau thì chào nhau, nhưng cũng biết gầm lên với nhau, chửi mắng la làng. Vừa ôm nhau hôn hít, yêu nhau đấy, nhưng cũng lừa nhau đấy, sợ chưa!. Ôi dào!
            Con vật nơi đây cũng lạ lắm! Ví như con chó để khoe cái mõm nhe nhởn , bẩn thỉu, thì hắn cứ sủa say mê. Con mèo thì biết tìm đến chỗ kín đáo để ỉa , và giấu đi thật kỹ cái của chua rình, chua khét của mình.
            Nơi đây gọi là một xã hội, thì  chắc cũng không sợ sai. Sai thế nào được , có cả một hệ thống “pháp luật” đây này, có đầy dẫy những kẻ cầm cân , nảy mực. Tuy nhiên lẽ phải bao giờ chẳng thuộc vào tay kể cầm cân, pháp luật áp dụng  rất nghiêm minh với bề dưới. Không bao giờ áp dụng với bề trên. Một xã hội không có chính đạo , nhưng lại đầy rẫy tà đạo.
            Một xã hội khi nào cũng khoe là ngàn năm văn hiến, ngàn đời chống xâm lăng , chống khủng bố, còn đó văng vẳng bên tai bao nhiêu là tuyên ngôn, bao nhiêu là khẩu hiệu... Cuối cùng thì thấy toàn lừa lọc và bịp bợm. Cứ trông đấy, năm xưa những anh hùng  đang ôm mộng cái thế. Trong gian khó hiểm nguy thì  ra chiều tử tế. Khi thành công, ngự đỉnh vinh quang lại bước vào lốt chân của những kẻ đểu giả, làm những việc đểu giả  trong lịch sử, mà chính họ đã to tiếng , lắm lời chửi rủa.
            Thế nên  có tìm nổ mắt cũng chẳng thấy đâu tinh thần thượng võ. Xét cho cùng khi con người ta khốn cùng, khổ sở  mãi cũng không được, mà sung túc, sung sướng mãi lại càng không được. Khốn khổ mãi thì làm bậy, mà sướng quá hoá rồ và làm loạn. Thiên hạ đang vô đạo, sự tầm thường, giả dối  như  gió lạnh  vã vào mặt hằng ngày.
            Quan quoách đâu đó quanh ta, vừa đểu, vừa bịp bợm. Suốt ngày lôi những thứ tư tưởng, chủ nghĩa vớ vẩn nào đó, từ sọt rác ra, để lấp liếm  cái bản chất kẻ cướp của mình.
            Bọn kẻ sĩ thì tiểu nhân, cả đời chỉ biết theo đuôi chính trị. Những  trí thức, đỗ đạt thì kiêu ngạo, hèn hạ “Hèn” là một đại lượng tỉ lệ thuận với địa vị, thậm chí  tỉ lệ thuận với tri thức. Bàn đến danh lợi, mặt ai cũng tươi tắn, khôn ngoan. Nhưng  động bàn đến chữ nghĩa, văn chương thì  mặt đần ra, như mặt cái người cả đời chưa bao giờ đọc sách…Người ta vẫn tự khen mình là hiếu học. Nhưng cái học mà không mang lại danh, lợi thì có lẽ chẳng chó nào màng đến cái sự học ấy mà làm gì. Cái leo lẻo là truyền thống hiếu học, thực chất là hám lợi, hám danh, tham chức quyền, tham lợi lộc mà thôi.
          Con người  ngày nay tự hào là văn minh, là giỏi giang lắm. Thế mà kẻ hung bạo trừ mãi không hết, thậm chí ngày càng hung bạo hơn. Kẻ lưu manh, bịp bợm, trâng tráo và ác độc  đời sau càng đểu cáng hơn đời trước. Có sẵn quyền lực, địa vị trong tay, tha hồ mà nhân danh mọi thứ…Cứ tha hồ mà chễm chệ ngồi trên đầu, trên cổ thiên hạ giữa thanh thiên bạch nhật, xem dân như những  tài sản riêng trong túi mà muốn sao được vậy.
           Tất nhiên, không theo được đạo lý của người xưa thì  biết làm thế nào. Đạo “yên dân”. Không yên được cả thiên hạ thì cốt sao yên lấy cái thân mình, vợ con, gia đình mình. "Đạo" ấy: Mình cố không động đến ai, cũng mong đừng ai "động" đến mình…Tuy nhiên "yên thân" cũng không dễ  đâu. Cứ thử  ra đường xem? Biết đâu đấy đến một lúc ngay cả cái đạo "yên thân" này, cũng còn là một mơ ước.
            Vậy thì: "Ngu" là tốt nhất, Con ốc nơi trú ẩn cuối cùng của một loài  động vật có tên  là “con người” đáng thương.
             Người đời vẫn truyền tụng giai thoại cụ Thượng Trứ, đi đâu cũng thường cưỡi con bò cái vàng, sau đít bò có đeo cái mo cau, ai hỏi thì cụ kêu là để “che miệng thế gian”. Trong bài thơ nổi tiếng của Cụ là: “Bài ca ngất ngưởng” cũng có nhắc đến chuyện cưỡi bò.
            Cưỡi bò rong chơi thiên hạ. thời nay có lý lắm chứ! Nhưng phải là bò cái, cũng nên  dùng chiếc mo buộc ở gốc đuôi con bò. Ở thời buổi giá xăng ngất ngưởng thì làm “Ông ngất ngưởng” trên lưng bò, ai đó có nhỏ to đàm tiếu  thì dùng “mo” che lại. Các anh giao thông có rình rập, bắn tốc độ thì biển số là cái “mo”. Đấy...Đấy…! 

2 nhận xét:

  1. Dòng sông có một mùa trong với ba mùa đục- hôm nào tụi em ngó với nhé! Sẽ bàn sẽ bạc nhiều về cái lảm nhảm đầy tâm huyết này.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn Ong đúng là đầy tâm huyết thật, dụng công lắm lắm ! Khỏe nhiều ong nhé!

    Trả lờiXóa