Muốn thanh cao đi lên trời mà ở!   

19/02/12

MỘT LẦN HIỂN LINH CỦA NGUYỄN BÍNH

PHẠM LƯU VŨ


                              “Anh đi đấy, anh về đâu
            Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu… cánh buồm“

           Tôi vừa cất tiếng ngâm nga mấy câu thơ trên thì chợt nghe có tiếng thở dài nhè nhẹ phía sau. Giật mình quay lại, bỗng thấy cố thi sĩ lừng danh một thuở Nguyễn Bính đang ngồi chĩnh chện trên chiếc ghế ngay sau lưng tôi. Vẫn mái tóc bồng rẽ ngôi rất điệu theo kiểu trí thức cổ lỗ sĩ, khuôn mặt nhọn hoắt như chiếc lưỡi cày có đôi mắt mở to cực kì tinh anh. Thi sĩ mặc chiếc áo sơ mi trắng muốt là thẳng tắp, bỏ trong quần đàng hoàng. Âm khí lạnh toát từ ngài tỏa ra xung quanh làm người tôi nổi hết gai ốc. Thi sĩ nháy mắt với tôi một cái. Tôi hoảng hồn vội quỳ sụp xuống lạy như tế sao. Lạy xong tôi hỏi:
           “Thưa cụ thi sĩ tiền bối kính mến! Làm sao mà cụ trở về đây được?“.
           “Ta chỉ còn là một linh hồn thì có ai câu thúc“ – thi sĩ trả lời – “không như bọn người sống trong cái thời… đại giả của các ngươi. Vả lại ngươi vừa đọc câu thơ vào loại hay nhất của ta khiến ta cảm động…“.
          “Thưa! Thế nào gọi là thời đại giả? chẳng lẽ thời này không tiến bộ, văn minh hơn cái thời cụ viết “Lỡ bước sang ngang“ gấp triệu lần hay sao?”   Tôi hỏi.
         “Ôi! Sao có thể so sánh được với thời của ta ngày ấy“ – Thi sĩ nổi cáu – “Tiến bộ, văn minh cái con khỉ. Rặt một sự dối trá, đê tiện, bịp bợm và bất lương mà không gọi là thời đại giả thì gọi là cái gì?“.
          “Cụ nói thế có bi quan quá không đấy?“ – Tôi yếu ớt phản đối – “Con người ngày nay đang được hiểu là rất tự do, mà có tự do là có tất cả…“.
          “Ái chà chà!“ – Thi sĩ cười to ngắt lời tôi, cười trào cả nước mắt ra –           
          “Ngươi xem ra không phải là kẻ có khiếu hài hước. Ta hàng ngày vân du khắp nơi, nhìn ai cũng thấy một cái đinh mang nhãn hiệu Made in bipbom đóng thẳng vào trong óc. Vậy mà bảo có tự do thì ngay cả một con bướm héo cũng không chấp nhận được. Hôm nọ ta đi ngang qua một trường nọ, bắt gặp một thầy giáo giảng câu thơ: ‘Chao ôi ba bốn tao ân ái / đã đủ tan tành một kiếp trai’ của ta thành ra 100% thơ tình. Giảng như thế thì ngu quá, dối trá quá. Chính ngươi cũng đang dối trá đấy. Có biết không?“.
Tôi hoảng hồn, lấm lét nhìn quanh như sợ có ai nghe thấy. Bèn vội vàng lắp bắp:
           “Xin cụ làm ơn đừng nói đến những từ dối trá với bịp bợm nữa có được không, kẻo vạ lây đến con. Có chuyện gì hay xin cụ kể cho nghe thì tốt hơn“.
          Thi sĩ săm soi ngó tôi như đang đánh giá một con côn trùng. Giây lát, ngài bảo:
          “Gần đây, ta được chứng kiến một bà mẹ đẻ ra một đàn rận. Đàn rận bò kín người bà, hết lớp nọ đến lớp kia ra sức hút máu mủ và hủy hoại thân thể của bà. Người qua người lại kẻ thì quẳng cho lon sữa uống dở, kẻ thì quẳng cho mẩu bánh mì hoặc mấy đồng xu lẻ… Song chẳng có ai quan tâm đến lũ rận trên người bà ta cả. Chỉ có ta là nhìn rõ chúng. Ta vừa thò tay tóm lấy một con thì con khác lập tức trám ngay vào chỗ trống ấy. Ta quan sát thấy có đủ các hạng rận, từ rận chúa, rận đực đến rận thợ, rận tơ; từ rận vĩ đại, rận vừa vừa đến rận tép riu… thì ra loài rận cũng có tổ chức theo kiểu xã hội hẳn hoi”.
        “Không nhẽ rận mà cũng giống như ong, kiến…?“ – Tôi nghi ngờ.
“Chứ sao!“ – Thi sĩ khẳng định – “Loài người mới chỉ biết đến 3 loại côn trùng có tổ chức theo kiểu xã hội là ong, kiến và mối. Nay cần phải bổ sung thêm loài rận này nữa. Tổng cộng có 4 loại côn trùng như thế. Ngươi không tin thì cứ việc nghi ngờ. Ta còn hỏi tên bà ta hẳn hoi nữa kìa. Riêng tuổi thì ta nhớ không chắc chắn lắm“.
         “Tên bà mẹ ấy là gì?“ – Tôi tò mò.
         “Bà mẹ đó họ Âu, tên Cơ“ – Thi sĩ trả lời – “Bà bảo ngày trước bà toàn đẻ trứng. Không hiểu sao bây giờ lại đẻ ra rận. Bà còn bảo bà chịu đựng lũ rận quen rồi, chỉ còn cách héo mòn dần rồi chết mà thôi. Ta chỉ là một con ma thi sĩ, không có cách gì giúp bà ta được. Bà nhờ ta đến an ủi ông chồng đang gặp nạn ở dưới biển“.
           Tôi nghe đến đây thì kinh ngạc quá, vội vàng hỏi ngay:
          “Thưa! Chồng bà ta là ai? gặp phải nạn gì?“.
          “Chồng bà họ Lạc, hiệu là Long Quân“ – thi sĩ thong thả kể – “Chẳng hiểu từ bao giờ, ông mắc phải căn bệnh ‘nhục thư’ (nôm na gọi là bệnh dòi ăn). Một đám dòi to bằng cái đĩa, đỏ loét, ăn nhung nhúc ngay chính giữa bụng ông. Không cách gì diệt được, kể cả rắc thuốc sâu hay dội nước sôi vào. Đám dòi này bị chết lập tức đám khác lại sinh ra. Chúng sinh ra từ chính trong máu thịt. Giống dòi này sách cổ gọi là ‘nhục thư’. Bao giờ nó ăn vào đến ruột thì chết“.
          Tôi nghe mà rùng mình, lạnh cả sống lưng. Một nỗi thương cảm trào dâng khiến tôi buột miệng lẩm bẩm:
          “Không lẽ trên đời không có thuốc chữa…?“.
          “Nghe nói có một tộc người sống ở vùng núi cao có một cách chữa bằng vía rất hiệu nghiệm. Chỉ có cách duy nhất ấy thôi. Tiếc rằng tộc người ấy đã xuống núi nên bí quyết của họ đã bị thất truyền“. – Thi sĩ bảo.
Nghe những câu chuyện ấy thấy kinh quá. Tôi nghĩ hay là lái thi sĩ sang đề tài khác. Bèn hỏi:
         “Cụ thấy nền văn chương của ta độ này thế nào, có rực rỡ không?“.
         “Rực rỡ cái con khỉ“ – thi sĩ lại cáu – “Văn hiến đã tan tành mây khói rồi thì làm đếch gì có cái gọi là nền văn chương. Toàn thấy choảng nhau, chẳng thằng nào phục thằng nào, cá mè một lứa cả. Thời chúng ta biết tôn trọng tài năng của nhau chứ không như bây giờ. Bây giờ lũ viết văn không đọc của nhau song cứ tranh nhau nổi tiếng, tranh nhau cái ghế ngồi… Già không muốn công nhận trẻ, sợ rồi nó tài hơn mình. Trẻ coi khinh già, cho là bảo thủ, lẩm cẩm, hết thời… Đọc những bài phê bình, phát biểu ở đâu cũng chỉ thấy cái ‘Tôi’ to như núi Thái Sơn, trong khi cái ‘Văn’ thì bé bằng hạt cát. Thế thì chỉ có thể gọi là một nền văn loạn hay còn gọi là một nền văn học bất chính“.
         “Dù sao thì cũng đã đạt được nhiều thành tựu chứ“ – Tôi rụt rè – “nhất là có hẳn một thời kì gọi là ‘đổi mới’. Vậy theo cụ, văn học thời kì ‘đổi mới’ này so với thời các cụ ngày trước thì thế nào?“.
        “A ha!“ – Thi sĩ bật cười lớn – “Ngươi lại tự bịp mình rồi. Cái gì mà gọi là ‘đổi mới’. Rõ là một lũ viết văn theo gậy chỉ huy. Hôm qua gậy trỏ vào trong buồng, thế là chết dí mãi ở trong buồng. Hôm nay gậy chỉ ra sân. Thế là chạy cả ra sân rồi sung sướng hét toáng lên là ‘đổi mới’! Có biết đâu rằng chưa ra được khỏi cổng thì cái gậy đã lại chuẩn bị trỏ vào trong buồng. Nói thực nhé. Nếu ông Vũ Trọng Phụng sống vào thời này, ông cũng đành bó tay thúc thủ nếu không muốn trở thành một tên bồi bút. Làm đếch gì có Số đỏ với Giông tố… nữa“.
         “Tất nhiên thưa cụ! Đơn giản bởi thời nay làm gì có những Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan với cả Nghị Hách…“ – Tôi cãi.
        “Có thật không?“ – Thi sĩ nhìn tôi nghi ngờ, ánh mắt không dấu sự khinh bỉ – “Có thể gọi ngươi là một kẻ ngu đã đạt đến trình độ không chữa được nữa chăng? Song cũng phải công nhận lũ hậu sinh các ngươi tự bịp mình giỏi hơn chúng ta ngày trước gấp vạn lần“.
Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, tôi nghĩ hay là chuyển sang tán thơ của chính thi sĩ để hạ “hoả“. Bèn thưa:
         “Cụ có nhiều thơ hay, thậm chí tuyệt hay. Ví dụ như câu thơ vừa rồi có thể coi là thần bút. Song cũng có không ít thơ dở. Tại sao lại như vậy?“.
          “Tính ta thích tiêu dao tự tại, ngang dọc giang hồ“ – giọng thi sĩ trầm hẳn xuống – “chỉ có như thế, nàng thơ mới đến gõ cửa nơi ta. Chung quy cũng tại cái ‘thời’ mà nên cả. Đến khi bị biên chế chết dí ở một Ty văn hóa thì ta chỉ còn là một anh ‘công chức thơ (vè)’ mà thôi. Lạy giời! Ngươi không nhớ một câu thơ dở nào của ta đấy chứ?“.
          Thấy mình đã bắt đầu nắm được thế chủ động. Tôi liền “tấn công“:
          “Thưa! Con nhớ chứ. Này nhé, bài thơ:
                           “Thâm canh cải tiến bàn sôi nổi
                            Giống má phân gio tính kĩ càng
                            Sản xuất cho hăng là thắng Mĩ
                            Là xây miền Bắc giúp miền Nam”.
          Có phải mang nhãn hiệu Made in NguyenBinh không thưa cụ?”.
Tôi bỗng thấy thi sĩ đưa một tay lên che mặt, tay kia bịt chặt mũi lại rồi nói, giọng buồn đến não nề:
          “Ta không phủ nhận. Song ta tin rằng các nhà nghiên cứu đời sau sẽ hiểu cho ta. Bởi vì trước khi bị buộc phải “sáng tác“ những câu thơ để “ăn lương“ công chức như thế, chính ta cũng đã viết một bài để đánh dấu chấm hết cho cái nghiệp thơ đích thực của mình rồi“.
         “Cụ có thể dẫn chứng bài ấy ra đây được không ạ?“ – Tôi rụt rè đề nghị, cảm thấy áy náy vì không ngờ đã chọc vào nỗi đau của thi sĩ.
          “Bài thơ ấy như sau“ – thi sĩ lấy giọng rồi bắt đầu đọc:
                       “Xếp lại chăn bông cùng áo dạ
                        Mở toang bốn cửa cất then cài
                        Nắng lên mất thú ngồi bên lửa
                        Chậu hết hoa rồi bạn với ai!“
        Tôi lặng người nghe thi sĩ đọc thơ. Bài này quả tôi cũng đã từng được biết đến. Thì ra thi sĩ là người đã “tiên đoán“ trước cái “thời“ mà chính ông đang sống. Bỗng tôi cảm thấy hình hài của ngài đang trong suốt dần và giọng của ngài cũng bắt đầu nhỏ đi. Biết là thi sĩ sắp biến, tôi bèn vội vã hỏi thêm một câu vớt vát:
        “Thưa! Nhà thơ lớn của chúng ta ở dưới ấy thế nào?“.
Quả nhiên đã đến lúc thi sĩ biến thật. Chẳng mấy chốc, trước mắt tôi chỉ còn thấy một con bướm trắng đang vỗ cánh sắp sửa bay đi. May mà vẫn kịp nghe một giọng trả lời bé tí vẳng lại:

         “Ta chẳng thấy nhà thơ lớn nào cả. Chỉ có mấy con yêu tinh thảm hại bị mất hết phép thuật mà thôi”.

20 nhận xét:

  1. Cafe sang voi HN nhe toi ve em se doc bai ky hon.

    Trả lờiXóa
  2. Vữn còn TEM nhở???? (cừi tít)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Còn tem đây cả bạc và đồng út ha!(Nhe răng)

      Xóa
  3. Măm măm đã rùi đọc chớ bụng réo roài

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Uh ăn cho mập ú nha! Ngon miệng nhé!hehehe!

      Xóa
  4. Ghê quá à, toàn zững zòi với zận, măm cơm hem được nữa kaka. Hưc hưc.....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hahaha! thật đúng lúc nha tuyệt dzời nha ! Dưng mà dzòi bọ xã hội ý mờ!

      Xóa
  5. Nặc danh18/8/13

    Kh cũng chẳng thấy nhà Thơ lớn nào cả. Thấy mỗi Sỏi thôi..hay lắm đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi giời! thật thế sao! Cảm ơn Kha Han nhiều nha!

      Xóa
  6. “Ta chỉ còn là một linh hồn ...
    Đọc đến đây là chị hết hồn rồi!chị nhát lắm!về thôi!
    Chúc em luôn vui khoẻ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chẳng lẽ chị lại yếu bóng vía thế sao! hihihi! chị khỏe nha!

      Xóa
  7. Hay lắm anh !
    Bài viết về cụ Nguyễn Bính như nhắc nhở anh em chúng ta...Mà những ai yêu thơ lại không biết về cụ ,một nhà thơ lãng mạn VN,nhưng em thích chất dân dã trong thơ của cụ Nguyễn Bính :
    "Còn tôi sống sót là may
    Mẹ hiền mất sớm trời đày làm thơ "

    Hay :
    "Nhà tôi có một vườn dâu
    Có giàn độ ván ,có ao cây cầu
    Hoa đỗ ván nở mùa xuân
    Lứa dâu tháng tám,lứa cần năm năm"

    Nghĩ về thời phong kiến cũng có cái hay,nam thanh nữ tú gặp nhau những đêm trăng để "Cầm ,kỳ,thi,họa"...he he ,còn bây giờ tụi em gặp nhau cuối tuần thì "quậy ".
    HN chúc anh mùa Vu Lan ấm áp .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn HN đã chia sẻ! Cuộc sống có nhiều điều đáng nói đáng viết và đáng suy ngẫm , Cái thời của các cụ cũng chưa xa lắm nhưng so với bây giờ thì không so được. khập khễnh mà .
      Mong ngày cuối tuần em luôn vui!

      Xóa
  8. Nguyễn đã được nghe nhà Thơ Trinh Đường ở khu Trung Tự và Xích Điểu ở phố Đỗ Hạnh (Tên thật là Nguyễn văn Tước 1910-2003 Đã từng là chủ tịch đầu tiên củ Lạng Sơn, sau về công tác tại báo Lao Động) kể rằng :Trong kế hoách 5 năm làn thứ nhất ông Nguyễn Bính có viết một câu phê phán về giá cả lúc bấy giờ có một câu: "Diêm thống nhất mà giá không thống nhất". Sau bị báo chí Sài Gòn cũ xuyên tạc thành: "DIỆM thống nhất mà GIÀ không thống nhất" (GIÀ đây là già HỒ). Dân kháng chiến bưng biền hồi đó sôi lên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Nguyễn Bính uất quá mà bị nhồi máu cơ tim rồi mất năm 1966. Chuyện này râm ran trong giới văn nghệ những năm đầu thập niên 60 mà Nguyễn được nghe nhiều nhà thơ lão làng hồi đó nói như Bác Dương Quân (Tức Dương Tự Cường,trùm thơ trào phúng của báo Lao động. Nguyễn chơi khá thân với những người con của bác ấy). Nhà thơ Hoàng Trung Thông (con là thằng Hòa "bớ", tích về cái chữ "bớ" này cũng rất hay)... kể. Con cái các vị này ngày xưa đều ở Nhà hát nhân dân (Chỗ Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô bây giờ), đều là bạn đánh bi đánh đáo nhẩy tầu điện với Nguyễn từ bé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh thật may mắn, hình như Trinh đường là anh trai Nhà thơ NB, còn cụ Xích điểu một thời làm thơ châm mà tai nạn nghề nghiệp rồi về già thì bẻ bút đập đèn anh nhỉ! Đến bút danh như thế còn Ôhô i hi hướng hồ ...!
      Cảm ơn anh nhiều !

      Xóa
  9. Thăm Sỏi ngày chủ nhật. Bài hay tuyệt ! Anh em nhà mình gặp cụ hiển linh một lần thì thú tội làm sao nhỉ !?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh! Mình chắc được khen chứ anh!

      Xóa
  10. Tớ đọc bài này 2 lần đấy. Ui! chỉ có HS mới viết được như thế thôi...Bái phục...

    Trả lờiXóa
  11. Sang đọc bài của anh -hihi...thật là trừu tượng -mà cũng gần với hiện thực anh nhỉ -
    Chúc anh tối vui vui nhe -

    Trả lờiXóa