Muốn thanh cao đi lên trời mà ở!   

12/01/12

PHƯỢT SƠN KHÊ


             Cái thằng tôi lang thang tứ chiếng, chẳng thành đạt ở lĩnh vực nào. Quay đi quay lại già mẹ nó rồi. Thế mà cuộc sống vẫn bữa đói bữa no. Ngày dài đến đêm thâu chẳng biết làm gì, quay viết bờ lốc.
            Người thành đạt, lắm tiền nhiều đất ai lại đi viết bờ lốc bao giờ. Làm những việc trái gien thì nó không vào. Bọn bạn nó bảo thằng này dở người chừng hai năm mươi thì dứt.

            Mà dở người thật nay phượt quê vợ chơi!
            Mấy thằng có tí thiểu số “Mường” nó bảo; về xuôi nhà chúng mày đi không có cái núi, cái đồi, cứ bằng bằng xa mãi, đi mỏi chân bỏ bà ! Nghe chúng nói rất khó tin, tuy nhiên không dễ cãi đâu. Thôi thì ngồi mà nghe. Dù sao bọn nó “Mường” nhưng gần Hà Nội hơn mình, tính đường chim bay và chim không bay đều gần hơn, xem ra cái sự văn minh không dám sánh.
           Trong trí nhớ của một thằng rể, cũng thấy kỳ lạ. Quên hết mẹ nó những chuyện quan trọng, nhưng lại nhớ như in LASER những chuyện vặt vãnh. Tí ti như hạt kê, hạt đậu. Thậm trí đi nhớ quê vợ nhà có cây sung ăn quả rất giòn. Làm cái anh dị hợm đôi lúc cũng hay, bọn chưa hiểu mình cứ khen mình thông minh và có tài nhớ dai. Giời ạ!
            Bố Mẹ vợ còn tráng kiện lắm, đi lại ngoanh ngoanh, chẳng coi cái tuổi 79,80 là gì. Bố cười hềnh hệch. Mẹ cười kiểu Mẹ khi lấy hơi cứ rít lên như còi, thanh niên có làm được vậy khối! 
            Con cái về cả; quà cứng , quà mềm. Thấy các cụ cười cả khi đã ngủ.
            Nhìn thấy  Rể lớn về cả nhà chạy té ra sân để đón, gớm từ từ kẻo ngã thì khốn. Con đây chứ có phải bác Hồ đâu mà xúc động quá vậy!
            Nhà bàn ghế đủ cả, nhưng cũng dọn cả, ngồi luôn nền nhà cho bền vững quê hương. Rể lớn ngồi cạnh bố! Quây quần chật chội kinh. Chả là nhà hơi đông con (bốn rể một giai) có thời kỳ cả nhà thi đua xây dựng gia đình, làm ông bố lo xuýt chết. Trong bốn năm dựng vợ, gả chồng cho cả năm đứa con .
            Các con ông rất có dáng dấp một lũ ngu, trông đứa nào cũng đần đần. Cái mặt đần nhất (Rể lớn) được gọi đại ca, đang ngồi cạnh bố. Bên tay phải hẳn hoi! Tiếp theo toàn là những hình nhân. Thứ tự, bé dần. Hình nhân gần anh nhất là Nga cái tên nghe rất con gái , chú em chắc 40 thôi. Lổng khổng toàn những xương, đi lại chậm chạp dè giữ. Đi như bay, nhẹ lắm mà vẫn có tiếng cục cục trong các khớp. Cha này giỏi kiếm tiền nhất nhà. Nó cũng thương các cụ nhất. Mọi thứ nó cả. Anh có đếch gì. Việc nó làm khi cong khi thẳng anh biết đâu đấy. chỉ biết mỗi việc nó làm kiểm lâm, cán bộ thì phải. Về nhà bố cứ gọi em nó là "Lâm tặc" phản động ngay từ trong nhà. 
          Đấy ! Nói đến bố ! Cụ có tài chém gió, nói thế cho hay hớm chút, chứ mà con cái ai dám bảo cụ phét lác! Cụ đuổi như chó ngay. Cụ khoe các con mình tối ngày, Còn như xóm làng có đình đám gì là cụ có dịp khuyếch trương, bốn thằng rể là bốn thằng “tha phương cầu thực” nhưng cụ bảo toàn là đại gia. Các con rể xa quê lắm của cả đấy! Có vẻ như cụ tự sướng, có cả tự hào trong đó. Các con về đông vui thế này, máu mặt bốc phừng phừng. Hớn hở lắm cứ như đây là cơ hội chứng tỏ với bản mường về sự giỏi giang phát tài, phát lộc của nhà ông vậy.
            Con rể thằng nào cũng hiểu bố vợ! Nín nhịn bố cả ngày luôn, ăn cỗ mà ngồi với bố thì thà ăn mẹ nó cơm sống may ra nuốt được. Xong việc ăn! Giờ thăm thú bản mường, địa phương chút!
            Ai mà chẳng có quê hương, mấy ông nhà thơ nhà văn viết về quê hương thấy hay phét lác thế! Anh thấy quê cũng giản dị thôi mà, mọi thứ chỉ làm cho ta nhớ vì lạ. Con ngõ vào nhà dốc ngược, anh cứ vừa đi vừa thở hồng hộc. Gió máy nghèo nàn nhừơng cả cho mồ hôi. Nắng thì thô , khó chịu! Cánh đồng cắt nhát như dưa hấu. Lâu lâu mới về quê bố thiêng liêng. Trước đây mỗi lần về, cứ chén chú chén anh say lướt khướt. Trong người nay hết rượu thấy quê hương cũng nghèo quá! Bản mường thuần nông. Lòng tự trọng cao ít người chịu tha hương. Người dân lành tính nên không thể ra ngoài buôn bán, chen lấn, đấu đá như dân vùng khác.
           Cũng chẳng có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đưa người đi lao động xuất khẩu như nơi khác. Chứng kiến cảnh xác xơ đất chật người đông. Người nông dân xưa bán mặt cho đất bán lưng cho giời , bây giờ chỉ có thể bán lưng, chứ mặt thì không còn chỗ bán. Nhà nước lấy làm sân gôn và chuyển đổi mục đích sử dụng cả. Đi đến cuối bản thì thấy cái nhà văn hóa thôn to lắm! hỏi sao to vậy họ bảo xã xây cho đấy, khóa cũng xã mua về để khóa.
              Mấy anh em nhìn nhau, bỗng hình nhân đi cạnh anh lên tiếng;  Mẹ cha mấy thằng con rể. Chẳng nghĩa lý gì.


9 nhận xét:

  1. BÀI ĐỌC BÊN HUHU ROÀI, CỨ TEM PHÁT, HÌ

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh11/1/13

    Đúng ! Nhớ gớm nhể! chúc sức khỏe nhé !

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh1/4/13

    Cảm ơn anh đã đọc và có cảm nhận nha!

    Trả lờiXóa
  4. Ở gần đem bài này mà chuyện với bạn chắc hết vài ngày.
    Hay - mà cũng đọc rồi từ xưa.
    Bắt tay cậu cái, trừ lúc cậu sến vô lối nói chung tớ thích văn cậu.

    Trả lờiXóa
  5. Bàn về xã hội thì vài ngày chưa thấm vào đâu, tuy nhiên Sỏi viết thì viết vậy chứ bàn thì có khi lại chỉ biết ngồi nghe thôi Ong à! Sỏi thì ai cũng chê sến. Chẳng còn biết phải sống sao cho hết sến! Bó tay! Cảm ơn Ong!

    Trả lờiXóa
  6. Sỏi chả biết gì cả. Người ta giữ nghèo nàn lạc hậu là để bảo tồn vốn cổ chờ phong "Di sản cuốc tế". Lúc ấy quê vợ ông tha hồ mà còng lưng tiếp khách nha. Người ta giống tổ tiên loài người chứng tỏ di truyền tốt thì ông lại chê người ta xấu. Đẹp trai mũi lõ như Sỏi người ta bảo: "Tây đi càn, bà già vấp ngã, nên mũi Sỏi lõ như tây". Đúng thì đúng không đúng thì....cười.

    Trả lờiXóa
  7. làm một việc không đúng sở trường thì không có hiệu quả anh ạ, nhưng viết như anh đây là một cách trải lòng, cách chiêm nghiệm cuộc đời, chia sẻ giao lưu với bạn bè tứ phương thông qua một trang viết diện tử chung chung trên mạng internet không phiền lụy ai thế là ok rồi, mấy ai viết tốt như anh cơ chứ, mộc vẫn học hỏi văn phong "cay cay, ngọt ngọt" của anh đấy, thế nhé anh nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh đã động viên! Mình lớn tuổi rồi anh ạ! luôn hiểu và tôn trọng nhau là cần thiết và đáng quý, Sỏi cũng luôn quý mến những người khoáng đạt quảng đại như anh. Cảm ơn anh nhiều!

      Xóa