Muốn thanh cao đi lên trời mà ở!   

20/07/23

LẠI NGỨA MỒM


                 Hạ chí, tiêu phòng vẫn cơ chế chăn đơn gối chiếc, vẫn thiếu bóng giai nhân, có nằm cũng không ngủ được. Thôi thì dậy phát hỏa cái ấm Tetsubin, pha trà Ô long nhân sâm, đốt nén trầm que Huế, xong rồi ngồi, để còn lo Cuốc sự. Ta tự thấy mình đang nhíu đôi mày ngài, mũi chùn lại làm lệch gương mặt có tỷ lệ vàng, nheo cái đôi mắt của dòng họ Phạm, có hàng mi dài và vút cong kỳ lạ. Phong thái của cái anh bao đồng, canh cánh lo thế sự, là đa cảm lắm cơ. Tự sướng, tự đung đưa, tự ngắm mình trong gương mà trăn trở.
                 Bỗng vô thức cầm cái remotte mở ti vi, để xem một cái gì đó rất vu vơ, có thể lắm, là do loạn lạc đạn bom cuối trời Âu mà tâm tính sinh tò mò. Thoáng để mắt đến diễn đàn Cuốc hội, cảm thấy sốc trước một phát ngôn hầm hố. 
                  Anh ấy là anh "nghị", kêu gọi ra luật, bắt nam nhân của một dân tộc anh hùng mặc áo dài ngũ thân, đội khăn xếp. Úi giời...! Khiến ngót 5 chục triệu anh hào đái đứng phải run lên bần bật. Aiza! Chính là cái phục trang được anh "nghị" ca ngợi và gọi đó là Cuốc phục, và đề xuất phục hưng. Hòn Sỏi vốn dốt nát này lại phải phọt ra mấy dòng ngái ngủ. Không có chính trị hay bài xích gì ở đây, mà chỉ nói cái ngu kiến cá nhân của Sỏi thôi nha!

                 Trước hết hãy nói đến ý kiến của anh ý! Anh ý bảo: “Mong muốn có một bộ trang phục truyền thống, dành cho hoạt động văn hóa và sự kiện ngoại giao. Bản thân anh ý đã mặc 4 bộ áo dài lên hội trường Cuốc hội, mỗi chiếc áo phù hợp một hoàn cảnh nào đó...” Sỏi ngố thấy thế thì tức thời dỏng tai nghe anh ý “tích phân”: "Áo dài ngũ thân có bốn thân ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, ôm lấy một thân con là người mặc, thể hiện tình thương của cha mẹ, nhắc nhở người mặc về chữ hiếu của người Việt. Năm cúc áo được xem tượng trưng ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), nhắc người mặc sống nhân nghĩa hơn, ứng xử văn hóa hơn". 
                   Anh ý nói đúng nhưng hơi có mùi hôi vì nấm mốc do cái đạo lý mấy ngàn năm, lâu quá mà. Tứ thân ngày nay không phải là (tứ thân phụ mẫu) mà là tứ thân xã hội: Thân hữu – Thân ô dù – Thân nhiều tiền - Thân bè cánh. Còn 5 cúc áo đó vẫn là ngũ thường nhưng không phải: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Mà là: Quan, tham, ngu, độc, hợm.
                  Trước đây cũng có một chị đại biểu thủ đô, cũng đề xuất việc nam giới mặc áo dài. Chị ý bảo khi em đi tiếp xúc cử tri, mọi người hỏi “sao cứ bảo mặc lễ phục, nhưng nữ thì được mặc áo dài, nam giới lại phải mặc comple”. Do vậy chị ý đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch báo cáo với Cuốc hội, Chính phủ để xây dựng Luật nghi lễ, nghi thức, quốc phục, quốc hoa… Mục đích của đạo luật này là để nam giới và nữ giới đều mặc ngũ thân truyền thống, kế thừa truyền thống của ông cha vì những trang phục này rất đẹp và kín đáo.
                   Cái trang phục mà các anh, các chị "nghị" khen đẹp kia, cái áo ngũ thân ấy chính là cái áo Viên Lĩnh, nó không phải là sản phẩm mới gì, cũng không phải do các đời Đinh , tiền Lê hay Lý, Trần… nào tạo ra, cũng chẳng phải tổ tiên giấu trong hòm, trong tủ hay từ gầm giường moi ra, ngỡ quý báu mà truyền lại, như các anh các chị đang phét lác. Nó là một cái áo có lịch sử từ rất lâu, nhưng nếu nói vì lý do đó mà bảo “mặc Ngũ Thân là truyền thống”, thì rõ ràng không chỉ không hiểu gì về truyền thống, về văn hoá, mà còn sỉ nhục tổ tiên nữa đấy ạ!
                   Áo Ngũ Thân mà trước đây gọi Viên lĩnh, đặc biệt phổ biến trong giới quan lại, công sở chế độ phong kiên từ đầu tk 20 đổ về trước. Được mặc ở tất cả các dân tộc có cái chữ vuông vuông ấy, đến bây giờ vẫn còn rơi rớt lại, rồi thi đua mà cải tiến, sau đó ai nấy ngộ nhận coi đó là văn minh của mình, Tàu đấy, Hàn đấy, Nhật đấy, Việt đấy. Nó là cái áo mặc ngoài, còn bên trong mới là quần áo che thân chính thức, người ta gọi cái áo mặc trong là Giao Lĩnh (cổ chéo). Như vậy bên trong mặc Giao Lĩnh, còn bên ngoài khoác Viên Lĩnh có thêu hoa văn để phân định phẩm hàm quan lại. Cứ như thế mặc bất kể nóng lạnh. Dân thường ít khi mặc loại này, mà chỉ mặc Giao Lĩnh, có thể mặc nhiều lớp và khoác thêm áo bông vào mùa Đông. Thật ra chẳng có thằng tâm thần nào chỉ mặc độc cái áo Ngũ Thân ra đường cả, hành động mặc mỗi cái áo dài đó tương đương với việc khoác măng tô hoặc áo mưa dạo phố vậy a.
                     Ngày xưa, thời nhà Nguyễn. Đâu như ở Huế, mùa gió Phơn còn gọi là gió Lào thổi thì vua quan lưỡi thè ra như em Phú quốc, vì nhẽ ấy mà không thể mặc áo theo đúng kiểu được, đây là nguyên nhân mà anh em nhà Minh Mạng tính chuyện bỏ bớt áo cho đỡ nóng, chứ chả phải cải cách, cải lùi chấn động đék gì, mà sau này chúng nó phét lác lên. Cũng lại vì anh em nhà Nguyễn rất thích vẽ hoặc thêu rồng, vượn, phượng, chim cả baba và chó nữa lên áo, mặc cho nó oai.
                      Tuy nhiên để đại - tiện, anh em Nguyễn đã có một bước đi không ai ngờ được, đó là bỏ áo trong và mặc chỉ áo ngoài, tức bỏ Giao lĩnh và khoác Viên lĩnh…Ngũ thân mà ta thấy ngày nay, thứ áo này do mấy đời anh Nguyễn cải biên, cải tiến, thế chó nào nó biến dạng, lấy cảm hứng từ mẫu áo của Ấn độ, người ta cắt vạt, còn ngắn đến đầu gối, rồi bỏ hết các lớp áo bên trong, mặc kết hợp quần chân què Mãn châu của nhà Thanh, mẫu mã thùng thình, trở thành một lối áo chẳng ra áo, quần chẳng ra quần, có hai vạt mỗi khi gió Lào thổi tốc lên thấy cả tổ trym. Vạt áo được xẻ hai bên, xẻ ít thì vướng đầu gối không bước được, xẻ sâu quá thì nhìn thấy cả lông nách, xem ra thứ trang phục này chỉ phù hợp với nơi nắng nhạt quanh năm, đó là Nam kỳ lục tỉnh. Áo ngũ thân bây giờ, như anh "Nghị" kia mặc chỉ có một lớp vải duy nhất. loại áo này về cơ bản là không thể sử dụng được ở vùng đất từ đèo Hải vân đến cột cờ Lũng cú Hà Giang. Tiết đông chí hàn thử biểu ghi dưới 10 độ c, độ ẩm của không khí là 100%, thường thì có mưa phùn và hiu hiu gió bấc, bấy giờ sẽ hiểu được cái lạnh nhức nhối, buốt tận óc. Thôi thế này nhé, một thứ Cuốc phục mà mùa hè mặc vào thì thè lưỡi ra, còn mùa đông thì không đủ ấm lạnh xoăn trym vào, vậy Cuốc phục sẽ mặc vào lúc nào?
                         Nhân nói đến áo dài Đàn ông, thì nói thêm về áo dài Đàn bà. Đàn bà Việt vốn 4 ngàn năm không biết cái áo dài là gì, cũng không bao giờ mặc quần hai ống, chỉ mặc quần một ống, (váy) đấy. Cho tới khi anh Nguyễn (Minh Mạng)thân với thực dân pháp, được thực dân nó góp ý phê bình, rằng thì là mặc quần cho nó văn minh. Có thể cái thằng thực dân nó khai hóa dân tộc ta, được mỗi một việc là phụ nữ An Nam chuyển từ váy sang quần. Thấy nó nói hay triều đình mới áp luật cấm váy, bấy giờ chị em mới bị mặc quần. Cái áo dài cũng dần dà mọc ra từ đó, áo dài trắng mặc ngoài, bên trong là quần trắng ôm sát mông đít, hằn cả cái vết chữ V quần đùi nhọn của chị em, đó đích thực là trang phục của me tây; Nếu bọn gái An nam mà mặc, thì đó đích thị là phò phạch, là gái làng chơi. Đến tận nửa đầu của thế kỷ 20, con gái nhà lành vẫn không mặc quần trắng, bởi đó được coi là quần của phò và me tây, coi hình ảnh quần trắng ôm sát mông đít, hằn vết xi líp là thiếu đạo đức, là đồng nghĩa với việc dâm dục. Chẳng có tí Khổng Tử nào, để mà nhắc đến luân thường đạo lý.
                        Cho nên bảo bộ áo dài trắng nữ sinh ngày nay, là áo dài truyền thống, cũng có nghĩa là không có kiến thức, phủ định toàn bộ lịch sử dân tộc từ nửa đầu thế kỷ 20 đổ về trước. Tại sao cứ nhân danh truyền thống, nhưng lại ngồi xổm vào văn hoá truyền thống suốt mấy nghìn năm và tôn vinh một cái chẳng biết ở đâu ra, cái mà tổ tiên chẳng bao giờ nhìn thấy, và có thấy thì cũng chẳng bao giờ chấp nhận. Các anh các chị "nghị" còn ra vẻ nho nhe, ngũ luân ngũ thường nói rằng đây là tục lệ, là truyền thống cho thêm phần khả tín. 
                        Nghe nói bên Nhật người ta vận động nhân viên công sở không mặc veston, mà mùa hè mặc sơ mi đi làm cho đỡ tốn điện. Đâu đó như ở ta, Thành phố HCM cũng có chủ trương mặc sơ mi ngắn tay để hạn chế dùng máy điều hòa. Anh lại kêu gọi áo dài thế thì (đi ngược chiều cao tốc à?). Anh cứ mặc ngũ thân để đi họp, chẳng ai cấm anh, có điều ý kiến của anh dường như làm mất thì giờ quý báu của Cuốc hội anh ạ! À! Mà hình như cha ông mình xưa đóng khố chứ, đúng phỏng? Cái khố mới là trang phục truyền thống, anh nên đóng khố để đi họp và tiếp khách nước ngoài. Đóng khố nhé, vừa chứng tỏ con cháu vua Hùng, rất bản sắc dân tộc và lại còn hợp xu thế tiết kiệm điện. 
                        Ai Dza!

12 nhận xét:

  1. Dạo này tình hình sức khỏe anh Sỏi thế nào? Lúc nào cũng thấy anh quan tâm xã hội và thay đổi của nó, anh từng sống trong thời chiến, anh sống trong thời bình, cuộc đời anh tính ra có rất nhiều cái để chiêm nghiệm, để nghĩ ngợi, để vu vơ cũng được. Miễn là còn sống là còn hoà theo nhịp sống và phát triển cùng nó. Như vậy là tốt anh ạ. Không chỉ quanh quẩn con cháu, người thân rồi thấy mình tối cổ anh ạ. Hịi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em, sức khỏe của anh hồi này hay lắm, anh có thể nghe được nó, cảm nhận về nó, hình như có yếu tố thời tiết trong con người mình vậy. Hihi!
      Anh có cái hay nữa là tự sống, tự vui buồn, không bị ảnh hưởng của con cháu và người thân. Nghĩa là một lão lập dị và khó tính, khó nết! Hihi!

      Xóa
  2. Viết được như vầy tức là Anh Sỏi vẫn khoẻ nè, hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bây giờ anh khỏe mà, sau vài năm chao đảo chút thôi, giờ thì hoàn hồn rồi! Hihi!

      Xóa
  3. Em cặm cụi đọc hết bài ngứa mồm của anh, và nghiệm ra rằng để ngứa được và viết được như thế này, phải là người rất là thông kim bác cổ! Mừng hơn nữa là tìm được cảm hứng Ngứa, anh nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em CN! Hóa ra ngứa mồm cũng có cảm hứng nhỉ! Người ta bấy lâu vẫn nhìn anh với ánh mắt của sự lạc hậu hay lạc lõng gì đó, họ bảo cái phong cách của một ông đồ, cũ kỹ và dở hơi còn xót lại của thế kỷ trước. Họ gán cho anh khối thứ lập dị... Nhưng sai bét anh biết dùng Smartphone và smart book ... mà, hihi!

      Xóa
  4. DVD sang thăm nhà, chúc anh an khang!

    Trả lờiXóa
  5. Chúc anh luôn nhiều niềm vui trong cuộc sống.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn meocon thật nhiều, khỏe vui em nhé!

      Xóa
  6. Sang thăm anh thấy anh triết lý thật hùng hồn như này là biết anh khỏe ...kkkkkk...
    Chúc anh ngày CN tươi hồng thật vui nhé anh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh cảm ơn HN thật nhiều, luôn mong em hạnh phúc!

      Xóa