Muốn thanh cao đi lên trời mà ở!   

20/07/21

Tôi thích HOẠN THƯ


               Đương mùa covid mà đánh ghen không thuyên giảm các bạn ạ! Cực chẳng đã đây mà! Khổ cho tớ có thói quen dẫn chuyện theo kiểu cứ chuyện nọ lại xọ chuyện kia; Chẹp !
              Tớ không liên quan gì tới đàn bà, chẳng vướng bận gì cả. Cơ mà tớ nói cho mà nghe. Hỡi những kẻ thích đánh ghen, đã đánh ghen, hoặc sắp chuẩn bị đánh ghen. Các vị thấy mọi người ví các vị như Hoạn Thư. Đừng tưởng bở nhé! Các vị đánh ghen ngu bỏ mẹ đi, làm sao mà được thông thái uyên bác như Hoạn tiểu thư. Tớ khẳng định Hoạn Thư là người phụ nữ lý tưởng, thông minh có thừa nhân hậu gấp trăm lần các vị, cho dù các vị có là Nghệ sỹ, bấy lâu nay vẫn đi làm thiện nguyện nhé! 
            Thưa đồng bào!
    
        Lâu nay đồng bào ta vẫn cho Truyện Kiều là quốc hồn quốc túy, nhưng tôi đoán có thể là 99% đồng bào ta chưa một lần cầm trong tay quyển Truyện Kiều. Nhưng đồng bào ta quả là siêu việt, vẫn lảy Kiều, tập Kiều, ngâm Kiều , bói Kiều... gì gì Kiều cứ gọi là vanh vách. Dĩ nhiên hiểu về truyện, cũng theo lối “Thày bói xem voi”. Nhang nhác giống các cổ động viên mặc áo đỏ có ngôi sao, xem bóng đá vòng loại world cup hô vang đến khan cả giọng “VN vô địch”...!
            Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có nhiều nhân vật sống mãi trong lòng người đọc. Trong đó, nhân vật Hoạn Thư con người này để lại nhiều ấn tượng, theo tôi thì nàng là một người đẹp, thông minh và cái kiểu đánh ghen theo tôi là rất người, nghĩa là rất nhân văn.
            Ta bắt đầu nói về chuyện đánh ghen kinh điển này nhé, để đánh giá đúng về Hoạn Thư và Thúy Kiều thì phải hiểu chuyện trước đã, đọc kỹ bắt đầu từ câu 1275 đến câu 2029 nghĩa là khi kiều gặp Thúc Sinh đến khi Kiều bỏ trốn,  đoạn thứ hai mà ta vẫn gọi là kiều "báo ân báo oán" từ câu 2310 đến câu  2419. 
            Đánh ghen một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội, sống trong thế giới văn minh, thế kỷ 21 lâu rồi, mà đâu đó còn rất nhiều những cuộc ghen tình khủng khiếp. Họ đâm, chém, họ cắt tóc nhau, lột trần, truồng, thậm chí cả việc đầu độc... Ồdzee! kể cả đổ xăng đốt cho tình địch thành tro và có kẻ thì tạt Axit vào mặt tình địch, hủy hoại nhan sắc xinh đẹp của những người bị coi là kẻ thứ ba. 
            Như vậy, so với cái ghen của Hoạn Thư còn độc ác gấp ngàn lần. Nực cười! Thế mà không ai trong số các người “nổi tiếng” bằng Hoạn Thư. Và người đời vẫn chỉ nhớ đến Hoạn Thư mỗi khi nói tới ghen tuông và hiểu sai về nàng, xem nàng là một con người tàn bạo. Không phải thế đâu, sai bét cả!
Nàng Hoạn Thư được giới thiệu rõ ràng thế này:
“Vốn dòng họ Hoạn danh gia
Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư” 
            Cũng có thể là quan chức trong Bộ Lại, nhưng cũng có thể là Thượng thư Bộ lại, Ôi giời nếu thế thì to lắm đấy. Như bây giờ nhẽ gọi là con gái Bộ trưởng Bộ Nội Vụ đấy nhé! Hiềm một nỗi xưa nay Hoạn Thư thường được người Việt dùng để chỉ những phụ nữ ghen tuông trong hôn nhân tình ái. Khi nói đến Hoạn Thư ai cũng nghĩ và coi đây là nhân vật biểu tượng cho sự ghen tuông tàn nhẫn, độc ác, nham hiểm của đàn bà. 
            Hoạn Thư là vợ của Thúc Sinh nhưng giữa hai gia đình không môn đăng hộ đối. Bạn Thúc Sinh đã từng: "Kỳ Tâm họ Thúc cũng nòi thư hương" nhưng cha lại là một nhà buôn, không phải xuất thân quan lại nên không sánh được với “họ Hoạn danh gia...”. Thư và Sinh lấy nhau chẳng qua là “Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa” chứ không phải từ tình yêu say đắm. Nhưng dù gì thì Hoạn Thư vẫn rất tốt “Ở ăn thì nết cũng hay”, không bao giờ tỏ vẻ con nhà gia thế mà ức hiếp chồng hay bắt chồng phải làm theo ý mình. Nhưng nguồn cơn ở chỗ do ông chồng Thúc Sinh vốn là ông người háo sắc mới sinh ra việc dan díu với Kiều. Và khi Hoạn Thư biết chuyện:
“Từ khi vườn mới thêm hoa
Miệng người đã lắm, tin nhà thì không”
            Một chính thất đàng hoàng như Hoạn Thư, Trước sự ngoại tình của chồng thì sao Hoạn Thư không tức đến phát điên với chồng:
“Lửa tâm càng dập càng nồng
Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa”
            Con giáp thứ 13 trong vụ này lại là nàng Kiều vừa xinh đẹp lại tài hoa... Ruột gan nào mà không như xát muối, xưa nay có người phụ nữ nào thích thế đâu! Hạnh phúc mấy ai muốn chia sẻ, ai muốn chung chồng chung chăn. Hoạn Thư đã bảo vệ tình yêu và hạnh phúc gia đình mình bằng cách của nàng. Bảo vệ danh dự của gia đình. Ấy thế mà xưa nay cứ đàn bà ghen tuông là lại bảo có máu Hoạn Thư, thật ra có ít người và ít chính kiến tìm hiểu sâu về cái “đức” ghen của Hoạn Thư. Tại sao cứ phải cho rằng Hoạn Thư nham hiểm, tàn nhẫn hành hạ Thúy Kiều và cái tên Hoạn Thư để người đời mỉa mai những người đàn bà hay ghen như “Hoạn Thư”. Đem cái ghen tuông vốn dĩ thương tình được phép ấy để chê cười. Trong khi, nàng cũng xứng đáng nhận được hạnh phúc lắm chứ. Cái sự ghen của nàng thể hiện một nhân cách đáng cho ta phải suy nghĩ. Thực tình thì Hoạn Thư cũng không muốn làm to chuyện đâu:
"Ví bằng thú thật cùng ta
Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên
Dại chi chẳng giữ lấy nền
Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình
Lại còn bưng bít giấu quanh
Làm chi những thói trẻ ranh nực cười!”
            Chỉ tại nàng hận, ở chỗ Thúc Sinh cứ làm những việc lưu manh, hắn bưng bít giấu quanh và như xúc phạm đến Hoạn Thư, vì đã vi phạm vào nề nếp gia phong nhà nàng. Chính vì thế mà nàng mới quyết định dạy cho Thúc Sinh bài học để mà nhớ đời:
“Làm cho nhìn chẳng được nhau
Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên
Làm cho trông thấy nhãn tiền
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay”
            Đấy mục đích là tiêu diệt thói trăng hoa của Thúc Sinh đấy chứ. Dù giận là vậy, toan tính kinh sợ là vậy, nhưng Hoạn Thư vẫn không làm ầm ĩ, không theo thói thường tình đánh ghen như bao người khác. Nàng vẫn cố giữ cho gia đình êm ấm như không có chuyện gì:
“Nỗi lòng kín chẳng ai hay
Ngoài tai để mặc gió bay mé ngoài
Tuần sau bỗng thấy hai người
Mách tin ý cũng liệu bài tâng công
Tiểu thư nổi trận đùng đùng
Gớm tay thêu dệt ra lòng trêu ngươi
Chồng tao nào phải như ai
Điều này hẳn miếng những người thị phi
Vội vàng xuống lệnh ra uy
Đứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng
Trong ngoài kín mít như bưng
Nào ai còn dám nói năng một lời”
            Quả thật Hoạn Thư rất đáng nể phục, nàng ý xử lí thông minh, khéo léo chuyện nhà là vậy. Một người vợ bị phụ tình, đã làm được những việc không phải ai cũng có thể làm được, giữ cho gia đình ngoài kín, trong êm thì quả thật không hề dễ.
            Hoạn Thư vừa bảo vệ chồng khỏi điều tiếng dư luận, nàng cũng muốn dằn mặt chồng để xem thái độ của Thúc Sinh ra sao. Ở khía cạnh này ta dễ dàng đồng cảm với Hoạn Thư hơn. Phải là rất vui khi vợ chồng gặp nhau sau bao ngày xa cách nhưng thực tế Hoạn Thư đau đớn tủi cực hơn khi nàng phải "vào vai" người vợ nồng thắm với chồng chỉ ở cái vẻ bề ngoài. Còn sâu thẳm bên trong thì vật vã oán hờn với con người trăng hoa đen bạc “Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra”. Thật ra cái mà Hoạn Thư mong mỏi ở Thúc Sinh cũng đâu có gì quá đáng hay khó khăn. Nàng chỉ cần được chồng báo tin là chuyện đã như vậy, được chồng thú thật, để rồi nàng sẽ lượng trên mà bao dung tha thứ sắp xếp một cách đàng hoàng, ổn thỏa.
             Nhưng có lẽ  Thúc Sinh không phải là người tri âm tri kỉ. Bạn ý cứ tưởng mọi chuyện chưa ai hay biết. Cái bạn Thúc Sinh này là loại thỏ đế nhát gan, lo sợ mọi việc bại lộ. Sự im lặng của Thúc thật ra là sự "chán cơm thèm phở" :
"Thú quê thuần hức bén mùi
Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô
Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ
Một màu quan tái bốn mùa gió trăng"
            Đó là lúc mà chàng Thúc muốn ra đi và Hoạn Thư cũng dư biết. Nàng biết chàng ở bên mình chỉ là cái xác, còn hồn thì ở tận Lâm Tri. Chính vì thế mà nàng không hề ngăn cản, mà còn động viên chàng đi cho sớm. Còn cái ông bạn Thúc Sinh thì quá vô tư:
“Được lời như mở tấc son
Vó câu thẳng ruổi nước non quê người”
            Đứng trước việc phải làm là dày vò tình địch, dằn mặt dạy cho ông chồng bài học, Hoạn Thư phải chọn cách nào đây? Nếu thủ tiêu Kiều thì chắc gì chuyện không bại lộ mà chuyện bại lộ thì coi như mất chồng, gia đình tan nát. Nếu đánh động cho Kiều cao chạy xa bay thì chàng Thúc làm sao dứt khỏi tơ lòng vương vấn, rồi mải tìm, rồi dù có về thì cũng về bằng cái xác. Một lần nữa ta thấy Hoạn Thư khôn ngoan khi chọn chiêu bắt cóc Kiều, đốt nhà thế xác, tạo hiện trường giả đấy là lý do để rồi mang tiếng ghen tuông cay nghiệt. Thúy Kiều, con người tội nghiệp thì phải rơi vào tình cảnh nhục nhã, đau đớn đến ê chề:… để Thúc Sinh xem như đã hết mà toàn tâm toàn ý trở về:
"Tìm đâu cho thấy cố nhân
Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương
Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương
Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê"
            Hay là ở chỗ đó, mà cay nghiệt cũng là ở chỗ đó. Thúy Kiều bị bắt về nhà cha mẹ của Hoạn Thư (Nhà quan lại bộ) làm thị tì, nơi đây Kiều phải một phen mưa gió tan tành:
“Hoa trôi nước chảy đã yên
Biết đâu địa ngục là miền trần gian”
            Sau đó Kiều mới được chuyển về làm con hầu ở nhà Hoạn Thư. Việc hành hạ thể xác của Kiều chỉ dừng đến đấy, chứ không đến mức tàn nhẫn mất hết nhân tính. Thực ra, đó cũng chỉ là chuyện giận cá chém thớt, chứ Hoạn Thư muốn bắt về trị tội chính là cái kẻ “thăm ván bán thuyền” Thúc Sinh mới phải lẽ. Cho nên không khi nào ta thấy hình ảnh Thúy Kiều hiện lên một như một đối tượng chủ yếu và trực tiếp trong cơn ghen tức, hay trong cơn tam bành của Hoạn Thư.
Và cái gì tới đã tới, khi Thúc Sinh trở về chạm mặt Kiều một cách bất ngờ, choáng váng:
“Cùng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm
Rõ ràng thật lứa đôi ta
Làm ra con ở chủ nhà đôi nơi”
            Có thể nói lúc này là lúc Hoạn Thư hả hê nhất. Nàng bắt “ kẻ thứ ba” phải khoan nhặt cung đàn, quỳ tận mặt mời tận tay Thúc Sinh chén rượu. Còn kẻ lòng dạ đen bạc kia thì phải phách lạc, hồn xiêu, gan gầy, ruột héo:
“Sinh càng như dại như ngây
Giọt dài giọt ngắn chén đầy chén vơi”
            Rồi phải giả say để lảng ra nhưng khổ thay "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa" lại kẹt vào thế khác, Hoạn Thư uy quyền đến thế là cùng, chẳng riêng Thúc Sinh đâu mà khối kẻ "tu mi nam tử" đấy cũng đái ra quần:
“Tiểu thư vội thét con Hoa
Khuyên chàng chẳng cạn thì ta cho đòn
Sinh càng nát ruột tan hồn
Chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay”
            Khi nghe Kiều đàn, Thúc nước mắt lả chã mà cũng không dám khóc, phải gượng nói gượng cười:
“Sao chẳng biết ý tứ gì
Cho chàng buồn bã tội thì tại ngươi
Sinh càng thảm thiết bồi hồi
Vội vàng gượng nói gượng cười cho qua”
            Cái cảnh này thật là cười trong nước mắt phải không ạ, có lẽ trên đời này hiếm có người vợ nào trị tội chồng một cách vừa nhẹ nhàng mà lại vừa cay độc đến như vậy. Ơ! mà ta thấy cay độc mà không đến nỗi quá tàn ác:
“Giọt rồng canh đã điểm ba
Tiểu thư nhìn mặt dường đà cam tâm
Lòng riêng khấp khởi mừng thầm
Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay”
            Các bạn ạ! Hoạn thư tỏ lòng nhân hậu là chỗ này đây, tôi cũng như các bạn sẽ đặt một câu hỏi: 
            Tại sao qua sự vụ này Hoạn Thư không tống khứ Kiều đi mà lại nhận lời Kiều cho nàng xuất gia chép kinh ở Quan Âm Các (chùa của nhà Hoạn Thư)? Điều này cho thấy Hoạn Thư không đến mức nhẫn tâm, không ép Kiều đến cùng cực, mà chừng mực nào đó Hoạn Thư cũng có lòng từ bi. Vì về với Phật là coi như trần duyên chấm dứt! Hoạn Thư tỏ ra là người yêu ghét phân minh. Khi thấy Kiều viết chữ đẹp, Hoạn Thư cũng khen “So ra với thiếp Lan Đình nào thua”, nàng cũng mến tài Kiều và ở khía cạnh này Hoạn Thư cũng có nét tài hoa. Bởi chỉ có kẻ tài hoa mới nhận ra kẻ tài hoa ngay giữa hồng trần gió bụi. Và thậm chí Hoạn Thư còn khen Kiều trước mặt Thúc Sinh: 
 “Ví chăng có số giàu sang 
 Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên”
            Thử hỏi trên đời này dễ mấy ai đủ bản lĩnh để đưa ra một lời khen tuyệt đỉnh đối với tình địch của mình như vậy. Tiếp theo là vấn đề Hoạn Thư về nhà cha mẹ vấn an, thực ra đó chỉ là phép thử cuối cùng để khẳng định lòng dạ của Thúc – Kiều như thế nào. Khi nghe hai người sụt sùi khóc than rồi Kiều hở ra ý trốn chạy:
“Liệu mà mở cửa cho ra
Ấy là tình nặng ấy là ơn sâu”
            Và rồi một chàng Thúc Sinh cơ hội và hèn nhát, chàng có lý do để quyết dứt tình:
“Liệu mà cao chạy xa bay
Ái ân ta có ngần này mà thôi”
            Hoạn Thư đến lúc này xuất hiện với vẻ mặt và cử chỉ vui vẻ, mãn nguyện. Hoạn Thư khen ngợi Kiều rồi nàng cùng chồng về lại thư trai. Chi tiết này cho thấy Hoạn Thư quả là thông minh tuyệt đỉnh, nàng nắm chắc phần thắng về mình, việc còn lại chỉ còn là gia ân cho Kiều, là tạo sơ hở để Thúy Kiều bỏ trốn mà thôi. Ở đây phải khẳng định rằng Hoạn Thư là con người của trí tuệ, khôn khéo, con người có bản lĩnh phi thường và một nhân cách cao thượng đáng khâm phục. Mọi việc đã diễn ra như xếp đặt tính toán, Kiều đã nghĩ và đã hành động:
“Phận bèo bao quản nước sa
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh lênh
Chỉn em quê khách một mình
Tay không chưa dễ tìm vành ấm no
Nghĩ đi nghĩ lại quanh co
Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân
Bên mình giắt để hộ thân
Lần nghe canh đã một phần trống ba
Cất mình qua ngọn tường hoa
Lần đường theo bóng trăng tà về tây”.
            Việc Kiều lấy đồ và trốn đi, Hoạn Thư đều biết rõ, nhưng nàng vẫn không truy đuổi và coi đó là con đường giải thoát cho con người hoạn nạn, con người tài hoa mà nàng đã có phần thương phần trọng, ai dám cãi với tôi rằng đó không phải là đạo đức, không phải là nhân hậu.
            Khen Hoạn thư thông minh, tử tế thì còn phải kể đến “phiên tòa” Kiều báo ân báo oán. Sau khi rơi vào lầu xanh lần thứ hai, Kiều được Từ Hải cứu và đưa nàng lên ngôi vị phu nhân cao quý. Và cũng chính Từ Hải đã giúp nàng báo ân báo oán. Hoạn Thư xưa là chủ nhà thị uy thì nay trở thành “chính danh thủ phạm”. Kiều từ một thị tì nay trở thành vị quan tòa có đủ mọi quyền hành sinh sát trong tay. Trong tình huống sinh tử này, ta thấy Hoạn Thư một lần nữa hết sức khôn ngoan, nhờ đó mà thoát án tử hình. Đầu tiên là Kiều mỉa mai đay nghiến Hoạn Thư:
“Thoắt trong nàng đã chào thưa
Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây
Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan
Dễ dàng là thói hồng nhan
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”
            Sợ chưa! Mấy câu này cho ta thấy ý đồ của Kiều sẽ xử Hoạn Thư thế nào, bên cạnh Kiều là quan quân, gươm giáo chực sẵn. Rõ ràng Hoạn Thư đang đối mặt với tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Không có thời gian để nghĩ suy cân nhắc và cũng không người thân nào bên cạnh để bàn bạc. Còn anh chàng Thúc Sinh thì “mặt như chàm đổ mình dường dẽ run” sắp đái ra quần thì còn làm được cái gì nữa. Khoảnh khắc sinh tử chỉ còn trong sự khôn khéo của bản thân Hoạn Thư, Với 3 tấc lưỡi thôi nàng đã tự bào chữa:
“Rằng: “Tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình
Nghĩ cho khi các viết kinh
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo
Lòng riêng riêng những kính yêu
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai
Trót đà gây việc chông gai
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”
            Tám câu lục bát này quả thật có sức mạnh thần diệu. Hoạn Thư cho mình là vô tội, đó chẳng qua là chuyện ghen tuông thường tình của đàn bà, đã là đàn bà thì ai mà chả vậy. Đó là quy luật của tạo hóa. Vấn đề này đã tác động đến suy nghĩ của Kiều, vì nàng cũng là đàn bà, đổi lại nàng, thì nàng cũng làm như vậy mà thôi. Vấn đề tiếp nữa Hoạn Thư nhắc lại chuyện “khi các viết kinh”. Đó là sẵn sàng chiều theo ý Kiều cho xuất gia ở Quan Âm Các, xóa kiếp làm thị tì, rồi đến khi Kiều lấy trộm chuông vàng khánh bạc lẻn trốn đi, Hoạn Thư cũng chấm dứt thù oán. Ở điểm này Hoạn Thư còn lịch sự không nói ra việc Kiều lấy cắp kim ngân trốn đi mà không cho người truy đuổi có lẽ là để tránh làm cho Kiều không mất mặt. Tất cả điều đó Kiều rõ hơn ai hết và không thể không thừa nhận. Vấn đề thứ ba là Hoạn Thư đưa ra cảnh chồng chung, mà chồng chung thì ai nhường cho ai? Vấn đề này buộc Kiều phải suy ngẫm và không thể bẻ lại được. Cuối cùng là Hoạn Thư thừa nhận đã “lỡ lầm gây việc chông gai”. Và cầu xin “lượng bể thương bài nào chăng”. Câu nói này Hoạn Thư hạ mình và tôn Kiều lên thành “lượng hải hà” là người bề trên. Không lẽ người bề trên không rộng lượng với kẻ dưới, người bề trên sao lại phải cố chấp với kẻ lỡ lầm…Trước những lý lẽ vững chắc đó, Kiều đành nói :
“Tha ra thì cũng may đời
Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen
Đã long tri quá thì nên
Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay”
            Không nên nhỏ nhen đúng không ạ! Kiều vốn thông minh nhưng điều này còn chứng tỏ rằng  Kiều cũng biết Hoạn Thư đã dễ dãi và rất rộng lương với mình. Hay nói một cách khác Kiều hiểu Hoạn Thư không thực sự đánh ghen mà chỉ muốn “dằn mặt” Thúc Sinh, thế là Hoạn Thư được tha bổng. Có thể nói đây là phiên tòa tuyệt vời trong văn học.
            Đến đây chúng ta có thể nói rằng nếu Hoạn Thư đánh ghen, một cuộc đánh ghen đã rất nhân từ, độ lượng, không giống những vụ đánh ghen độc ác, tàn nhẫn khác. Tôi nghĩ rằng Hoạn Thư muốn hành hạ Thúc Sinh, nhưng luân lý ngày xưa không cho phép vợ được hỗn láo, lăng loàn chồng. Hoạn phải chọn Kiều để hành hạ vì biết rằng Thúc sẽ đau khổ hơn chính chàng bị hành hạ. Và Hoạn Thư đã đạt mục đích: Thúc không những đau khổ vô cùng mà còn đành phải “cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai”. Hoạn Thư còn mong gì hơn nữa khi đã đã thành công, đánh ghen dã đạt mục đích là dành được chồng khỏi tay tình địch. 
            Đánh ghen thế mới là đánh ghen chứ! Chỉ những người có trí tuệ và trái tim nhân hậu mới có thể đánh ghen như Hoạn Thư.

21 nhận xét:

  1. Hihi...Mặc cho anh SỎI có lý ca tụng nết ghen siêu việt của Hoạn Thư nhưng HN ko có đồng cảm với nàng HTgiết người ko gươm ko giáo này sao nàng ta ko biết nhìn lại mình bởi nàng ko tài hoa và xinh đẹp bằng nàng KIỀU nên chàng Thúc Sinh mới đem lòng mê mệt say đắm nàng Kiều đến vậy... kkkkkkk...
    Đã đánh ghen thì làm GÌ CÓ TRÁI TIM NHÂN HẬU anh SỎI ơi...
    Nàng ta bị thua Thúy Kiều ở TÀI và SẮC làm sao mà đọ nổi...???
    HN sang thăm chia sẻ chúc anh buổi chiều an lành vui khỏe nhé anh !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có thể em đã hơi bị cự đoan rồi em ơi! Em đã hiểu và nghĩ theo cách riêng của mình...Hihi!

      Xóa
  2. Hồi nhỏ đọc truyện Kiều nhưng không hiểu gì. Nhưng qua bài phân tích của anh thì e thấy cách của Hoạn Thư cũng thâm sâu nhưng mức độ tàn nhẫn cũng ngang với các vụ đánh ghen ồn ào bây giờ. Chỉ là Hoạn Thư thân phận đài các mới không làm ồn ào lên.
    Thời phong kiến, định kiến xã hội về vợ chồng khá khắc nghiệt, vợ phải theo chồng nọ kia mới phải đạo. Điều đó gây bất bình đẳng. Còn giờ thì thoải mái hết yêu thì ai đi đường nấy.
    Dù sao cũng mong các chị em có những cách tinh tế để giữ chồng. Còn ko giữ được thì thôi, coi như bỏ đi cho nhẹ thân đỡ phải nghĩ.
    Đấy là ý kiến của một người đã lấy vợ. 😁

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét của em thật hay, rất đúng và cảm ơn em nhiều!

      Xóa
  3. Những câu chuyện này sẽ không bao giờ có hồi kết đâu anh!
    Nó bị chi phối bởi đặc điểm giới tính, tập tục văn hóa vùng miền và nhận thức của những cá nhân trong cuộc nên nó sẽ biểu hiện ra muôn hình vạn trạng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi em nói chí phải, bởi ghen vốn dĩ là thuộc tính của tình yêu và luôn muôn màu muôn vẻ!

      Xóa
  4. Nói như anh đúng đó, con người ngày nay độc ác hơn nhiều, cuộc sống càng đơn giản thì ngta ghen cũng đơn giản mà cuộc sống càng hiện đại, càng phức tạp thì cái độc ác, tàn nhẫn cua người ta lại càng đa dạng. Cũng 1 phần vì *kẻ thứ 3* ngày nay cũng ghê gớm anh à, không còn chịu núp bóng nữa mà muốn làm chính thất, có cô còn đi ghen ngược, còn khởi đầu gây sự, chọc ngoáy trước...
    Hihi mà mấy cái vụ này thì e xin rút lui, ai muốn đi cứ đi, người đã để tâm đi nơi khác thì níu kéo làm gì. Thỏa thuận với nhau trong việc chăm sóc con cái rồi thì phần ai nấy tìm hạnh phúc đích thực của mình. Nghĩ càng nhiều chỉ càng đau khổ thôi anh ạ.
    Chúc anh nhiều sức khỏe nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em, em nhận xét thật chính xác, cụ thể và sâu sắc. anh thích nhận xét này của Miss!.

      Xóa
  5. Anh phân tích hay quá . Chúc anh luôn mạnh khỏe bình an

    Trả lờiXóa
  6. Anh Sỏi vẫn ổn?

    Trả lờiXóa
  7. Thăm anh mùa dịch... giữ SK và bình an A nhé...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mong Tây nguyên mãi xanh, cảm ơn em nhiều!

      Xóa
  8. Sang thăm anh - như một lời thông báo rằng em vẫn ổn, giờ khg còn tâm trang để đọc nữa anh ạ. Chúc anh luôn bình yên khỏe mạnh nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúc em khỏe mạnh và bình an, cảm ơn em nhiều!

      Xóa
  9. Anh Sỏi vẫn ổn chứ? Lâu ko thấy anh đăng bài mới.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em anh vẫn khỏe, chỉ có thị lực hồi này không tốt, ngồi vài phút là mỏi mắt, không tiếp tục được nên viết có gặp chút khó khăn.
      Cảm ơn em thật nhiều!

      Xóa
  10. Đó là kiểu đánh ghen của người đàn bà con nhà khuê các, vừa ghê gớm bản lĩnh vừa thông minh sắc sảo. Con người này "Ở ăn thì nết cũng hay, nói điều ràng buộc thì tay cũng già". Vì thế mà nàng ta vừa đạt được mục đích hành hạ chồng và tiểu tam, lại vừa bảo vệ an toàn tính mạng khi bị lôi ra xét xử!
    Lâu nay không thấy anh đăng bài, anh và gia đình vẫn bình an chứ? Hay lại bị sư tử Hà Đông nhà mình đánh cho bạt vía rồi anh Sỏi ơi?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là nhận xét của một cô giáo dạy văn, Đúng và đủ kiến thức, ngày xưa ở ĐHSP em có được học cô Đặng Anh Đào không?
      Cảm ơn CN nhiều lắm!

      Xóa
    2. Em có học cô Đào, nhưng không nhiều, vì em làm luận văn phần Văn học trung đại Việt Nam. Em được cô Đặng Thanh Lê (chị cô Đào) hướng dẫn anh ạ! Anh Sỏi biết cô Đào hả? Hay anh là học sinh của cô?

      Xóa